Đường là chất oxy hóa, nên nếu ăn nhiều đường thì bạn sẽ già nhanh ^^ vì cơ sẽ chảy xệ, nhão nhét 😀 . Đường còn cung cấp 1 lượng lớn calorie nên ăn nhiều đường thì bụng càng tròn vo và bác sĩ đã nói là vòng bụng càng to ra thì vòng đời càng ngắn lại 😉 . Đó là lý do mà mình luôn ưa chuộng sữa chua không đường, hơn nữa vị chua của sữa chua không đường nó rất nhẹ dịu không gắt như nước chanh đâu nên bạn đừng quá lo lắng. Và một khi đã ăn rồi thì bạn sẽ ngày càng ghiền đấy 😉
Tuy nhiên nếu nói đây là sữa chua không đường 100% thì không phải bởi trong sữa vẫn có chứa đường sữa lactose 😉 . Nếu bạn nào muốn giảm lượng chất béo thì thay sữa tươi nguyên kem bằng sữa tươi tách béo nhưng thành phẩm sẽ có vị chua gắt làm bạn khó ăn hơn vì quá ít chất béo 😛 và sẽ lỏng hơn.
=> Các bí quyết để làm sữa chua ngon
=> Các vấn đề thường gặp khi làm sữa chua
1. Công thức
Ở đây mình có hai công thức: công thức 1 áp dụng cho các bạn ở Việt Nam còn công thức số 2 cho những bạn ở nước ngoài vì sữa cô đặc không bán phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Công thức 1 :
- Sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng không đường : 1 lít
- Sữa chua Vinamilk không đường: 1 hũ 100g
- Sữa bột nguyên kem không đường : 30g ( tương đương 2 thìa súp)
Công thức 2 :
- Sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng không đường : 1 lít
- Sữa chua không đường: 1 hũ 100g
- Sữa cô đặc : 140g ( tương đương 1/2 hộp thiếc loại 380g)
Ghi chú : sữa bột nguyên kem hoặc sữa cô đặc bạn không cần dùng vẫn được. Mục đích sử dụng chúng là để sản phẩm tăng thêm lượng đạm giúp cho cấu trúc của sữa chua đặc hơn.
2. Cách làm
Bước 1: cho hộp sữa chua cái ra khỏi tủ lạnh trước 1h tùy nhiệt độ phòng để chúng bớt lạnh
Bước 2: tiệt trùng dụng cụ
Đun sôi nước, tắt bếp, cho các hũ đựng sữa và thìa khuấy vào ngâm trong vòng 1 phút, lấy ra, để ráo nước. Sau đó cho vào lò nướng đã bật nhiệt độ 100oC trong vòng 5 phút để khô hoàn toàn.
Bước 3:
Đối với công thức 1 : Cho sữa tươi vào nồi và nấu với lửa vừa, vừa đun vừa khuấy để tránh sữa bị khét dưới đáy nồi. Đến khi sữa ấm lên khoảng 40oC ( sờ ấm tay) thì tắt bếp, cho sữa bột vào và khuấy tan. Bật bếp trở lại và nấu thêm khoảng 2 -3 phút là được. Kiểm tra bằng cách cho tay vào sữa, khi sờ mà phải rụt tay lại ngay lập tức là nhiệt độ cũng đạt khoảng 85oC rồi đấy 😉 .
Đối với công thức 2 : cho sữa tươi + sữa cô đặc vào nồi, nấu với lửa vừa, vừa đun vừa khuấy để tránh sữa bị khét dưới đáy nồi. Đến khi sữa bốc hơi thì nấu thêm khoảng 2 -3 phút là được. Kiểm tra bằng cách cho tay vào sữa, khi sờ mà phải rụt tay lại ngay lập tức là nhiệt độ cũng đạt khoảng 85oC rồi đấy 😉 .
Bước 4: khuấy sữa cho nguội đến khoảng 40 – 45oC (sữa sẽ ấm như nước dùng để tắm) thì bắt đầu cho men vào. Để men được tan đều thì bạn múc 2-3 muỗng canh sữa cho vào hũ men, khuấy đều sau đó đổ vào nồi đựng sữa. Khi đổ men cái vào thì đổ từ từ, vừa đổ vừa khuấy nhẹ nhàng để men hòa vào sữa. Cho hỗn hợp sữa + men vào hũ, đậy nắp và đem đi ủ.
Các cách ủ sữa chua mình đã tổng hợp ở đây và bạn có thể tham khảo. Thời gian ủ sẽ kéo dài khoảng 7h ở nhiệt độ 40-45oC, sau đó bạn cần cho sữa chua thành phẩm vào ngăn mát tủ lạnh.