Nồi chiên không dầu đã thực sự trở thành cơn sốt trên thị trường đồ nấu bếp hiện nay. Với tên gọi thực sự lôi cuốn người tiêu dùng vì nhắm đến xu hướng ẩm thực ít dầu nhưng vẫn ngon miệng 😉 , liệu nồi chiên không dầu có đúng là đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và đáp ứng được nhu cầu ăn uống giảm chất béo của các bà nội trợ 😉 

=> Nồi chiên không dầu có vi diệu không

1. Cấu tạo của lò nướng và nồi chiên không dầu khác gì nhau

Để có thể hình dung ra sự khác biệt giữa lò nướng và nồi chiên không dầu mình sẽ so sánh về cấu tạo cơ bản của hai loại thiết bị này cho mọi người có cái nhìn tổng quát nhé

  • Thanh nhiệt

Lò nướng thùng sẽ có hai loại :

– loại có 2 thanh nhiệt phía trên và 2 thanh nhiệt phía dưới

– loại có 4 thanh nhiệt nhưng nằm hết về phía sau lò

Các lò nướng đối lưu thì sẽ có thêm quạt đảo nhiệt giúp cho khí nóng tỏa đều xung quanh khoang lò ( thường có ở các lò có dung tích từ 25L trở lên)

Lò nướng thủy tinh

– thanh nhiệt là dạng đèn Halogen và quạt đảo nhiệt nằm ở phía trên 

Nồi chiên không dầu

– 1 thanh nhiệt dạng dây mayso xoắn ốc nằm ở phía trên và trên nó là quạt đảo nhiệt.  Vì chỉ có 1 thanh nhiệt nên quạt đảo nhiệt của nồi chiên hoạt động khá mạnh để đẩy nhiệt ra xung quanh nồi. Nồi chiên Philips thì họ thiết kế đáy nồi dạng rãnh xoắn, mục đích là khi không khí nóng thổi từ trên xuống sẽ va đập và di chuyển ngược lên trên để tạo luồng không khí đối lưu luân chuyển trong nồi được nhanh và đều nhất, Chính vì vậy mà nồi chiên không dầu của Philips được xem là tốt nhất trên thị trường khi bạn không cần phải lật mặt thực phẩm.

đáy  nồi chiên không dầu của Philips được thiết kế có những gờ xoắn nên không khí từ trên thổi xuống sẽ va đập vào các gờ này và luân chuyển nhanh chóng ra xung quanh giúp cho nhiệt được tỏa đều

 

Do đó cấu tạo của nồi chiên rất giống với lò nướng thủy tinh và khác với lò nướng thùng về

– số thanh nhiệt : lò nướng có 4 thanh nhiệt ( 2 ở trên  và 2 ở dưới); nồi chiên có 1 thanh nhiệt dạng xoắn ở phía trên

– diện tích tiếp xúc của thanh nhiệt với thực phẩm: nồi chiên thì thanh nhiệt dạng xoắn ốc nên sẽ tiếp xúc thực phẩm nhiều hơn .

– khoảng cách từ thanh nhiệt đến thực phẩm: khoảng cách từ thanh nhiệt đến thực phẩm của nồi chiên thì gần hơn so với lò nướng (đối với lò có dung tích từ 20L trở lên), nhưng đối với những lò nướng bé tầm 10L thì nó cũng y chang như nồi chiên về khoảng cách từ thanh nhiệt đến thực phẩm. 

Chính vì sự khác biệt không đáng kể này, nhà sản xuất hoàn toàn có thể tích hợp nồi chiên vào lò nướng bằng cách tăng số thanh nhiệt từ 2 lên 4 thanh nhiệt phía trên lò.  Bạn có thể thấy lò chiên nướng Cuisinart là một ví dụ của sự tích hợp hoàn hảo này. 

=> Review lò Cuisinart AirFryer Toaster Oven với chức năng chiên không dầu và nướng đối lưu

  • Nhiệt độ

Dải nhiệt độ của lò nướng thông thường từ 100 đến 230oC. Một số lò như lò nướng Sharp thì có nhiệt độ từ 70oC đến 230oC nên phù hợp cho việc sấy thực phẩm như xúc xích, lạp xưởng.

Nồi chiên thì nhiệt độ từ 100 đến 200oC. Nhưng vì không gian hẹp nên nếu với lò nướng bạn dùng ở nhiệt độ 200oC thì bạn nên chỉnh nhiệt độ giảm xuống 10oC – 20oC khi sử dụng nồi chiên không dầu.

2. So sánh chất lượng món ăn 

Nói chung các món mà lò nướng làm được thì nồi chiên không dầu đều làm được,  tuy nhiên sẽ có những món mà nồi chiên không dầu làm tốt hơn hoặc tệ hơn lò nướng. 

-Bánh chưng chiên 

Món này thì cả nồi chiên làm tốt hơn lò nướng 😛 . Tuy nhiên muốn bánh vàng đều hai mặt thì cho dù dùng nồi hay lò thì đều phải lật mặt, quét dầu và dùng vỉ 😆 

-Đậu rang ( đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu phộng…) 

Món này thì chất lượng làm ra với nồi chiên hay lò nướng chẳng có gì khác biệt, có khác là lò nướng thì dung tích lớn nên bạn sẽ làm được nhiều hơn mà thôi.

-Món chiên xù

Món này thì cả nồi chiên làm tốt hơn lò nướng . Bột chiên xù thì bạn phải tẩm thêm dầu chứ không nên để khô thì nó sẽ không giòn. Đối với lò nướng thì bạn không nên để trên khay mà thay bằng vỉ để dầu được thoát ra hoặc phải mua khay có lỗ vì để trên vỉ thì bột chiên xù nó sẽ rụng rất nhiều.  

-Hoa quả sấy

Nếu ai đã từng ăn mít sấy đóng túi của Vinamit và nghĩ rằng với lò nướng/ nồi chiên bạn cũng sẽ có được thành phẩm giòn nhưng không quá cứng thì mơ đi nhé 😆 . Trái cây sấy trên thị trường hiện tại có 3 loại : chiên chân không, sấy nóng và sấy thăng hoa. Với túi mít sấy của Vinamit, mặc dù bên ngoài túi ghi là mít sấy nhưng qui trình sản xuất là chiên chân không đấy 😉 , nên thành phần ngoài mít tươi ra sẽ có thêm dầu thực vật . Nghĩa là sản phẩm sau khi chiên sẽ được quay ly tâm để loại bỏ dầu.

Quay ly tâm thì cũng giống như bạn cho quần áo vào máy giặt, nên dầu dư sau chiên sẽ văng ra hết, làm cho sản phẩm khô ráo và không ngấm dầu. Trong quá trình chiên, dầu đi vào các khe hở của thực phẩm giúp chúng phồng lên và có không khí, chính vì vậy nên làm thực phẩm giòn xốp.

Bạn cho mít vào lò nướng hay nồi chiên thì chỉ làm cho chúng bốc hơi nước mà thôi nên sẽ làm chúng rất cứng. Hơn nữa nhiệt độ sấy nóng trái cây lý tưởng là 70oC để chúng không bị cháy, nhưng nồi chiên thì mức nhiệt độ tối thiểu đã là 100oC rồi 😆 .Lúc đó thì mít chưa bốc hết hơi nhưng đã cháy 😀 . Lò nướng Sharp mà mình hiện dùng thì sấy hoa quả cũng được vì nó có nhiệt độ 70oC, nhưng mà thời gian hẹn giờ chỉ có 2h nên phải nhớ mà bật lại lò. 

-Khoai tây chiên, khoai lang nướng

Chất lượng của hai món ăn này cũng như nhau chứ không khác biệt gì cả. Với khoai tây, nếu bạn mua túi  khoai tây cắt sẵn ngoài siêu thị thì không cần rã đông mà cứ cho thẳng vào lò nướng / nồi chiên. Bản chất của khoai tây này là đã chiên chân không một lần rồi (bạn đọc thành phần sẽ thấy có ghi dầu thực vật) nên đã có sẵn dầu. Nếu khoai bạn tự làm thì cần trộn thêm dầu để khoai giòn mà không bị khô bên trong.

Đối với khoai lang nướng nguyên củ thì bạn nên luộc trước cho chín, sau đó mới cho vào nồi chiên/lò nướng. Nếu bạn không luộc trước thì thành phẩm nó sẽ rất khô. 

-Bánh

Các món bánh đều yêu cầu nhiệt trên và dưới và thanh nhiệt thì phải vừa đủ xa với mặt bánh, nếu không thì bánh sẽ bị cháy hoặc nứt mặt. Và đối với dòng bánh mì ngọt và lạt thì nhiệt dưới rất quan trọng để bánh nở tốt. Đấy là lý do mà lò nướng làm tốt chức năng này hơn rất nhiều so với nồi chiên không dầu.

Một điều dễ thấy là đối với bánh bông lan nếu bạn sử dụng nồi chiên không dầu thì bánh hay bị nứt mặt hoặc bên trong chưa chín nhưng mặt bánh đã cháy. Mặc dù có quạt đảo nhiệt nhưng nồi chiên vẫn không thể nào làm cho luồng khí nóng bao quanh đều hết bánh được mà bao giờ nhiệt phía trên cũng sẽ cao hơn nhiệt phía dưới. Đối với dòng bánh mì mềm làm bằng nồi chiên thì bánh sẽ bị dày vỏ và kém nở cũng do không có thanh nhiệt phía dưới.

Tóm lại là nếu bạn nướng bánh thường xuyên thì nên mua lò nướng, thứ nhất là bạn đỡ mất thời gian ngồi canh me bánh trong hồi hộp, thứ hai là chất lượng bánh làm ra sẽ chẳng bằng lò nướng, thứ ba là nồi bé nên thay vì một lần làm được 12 cupcake thì bạn làm ra có 4 cái mà thôi 😆 

-Nem (chả giò)

Món này thì cho vào lò nướng hay nồi chiên thì nó cũng giòn, nhưng đó là giòn cứng chứ không phải giòn tan mà còn dai nữa 😛 . Bạn cần chiên sơ qua dầu, sau đó mới cho vào lò nướng /nồi chiên để chúng được ráo dầu.

Sau này mình khám phá ra dùng vỏ ram Hà Tĩnh thay vì dùng các loại bánh tráng bán trên thị trường thì không cần chiên qua dầu gì cả 😆 vì ram Hà Tĩnh làm bằng bột gạo còn các loại bánh tráng khác thì là bột gạo + bột mì nên nó sẽ rất cứng. Khi gói xong chỉ cần bạn quét hoặc nhúng qua dầu, sau đó cho vào lò nướng/nồi chiên đã được làm nóng trước, vậy là bạn đã có món chả giò (nem) giòn đúng chuẩn chiên dầu 😉 

Nem sum vầy

Thật ra mà nói thì nem (chả giò) cho vào nồi chiên/lò nướng thì nó không giòn tan cũng như không có được mùi thơm như chiên ngập dầu đâu, nhưng ăn sẽ đỡ ngấy hơn và thay vì phải đổ bỏ đi cả 1 chảo dầu thì bạn chỉ cần chưa đến 1/3 bát cơm dầu ăn. Hình dáng của nem (chả giò) cũng sẽ không được căng tròn giống chiên dầu vì khi chiên thì dầu đi vào các khe hở làm phồng nem nhưng bạn sẽ tốn rất ít dầu, nem không bị dính vào nhau, không bị bể bụng lòi ruột ( cái này thích hợp cho mấy người hậu đậu nè 😛 ) và không phải đứng mỏi chân canh đảo nem gì cả ^^ . Một lần thì mình ‘chiên’ được 20 cái  ( tương đương 2 lần chiên bằng chảo) khi dùng lò nướng. 

Đối với lò nướng thì bạn không được để nem vào khay mà phải để vào vỉ nướng vì để vào khay thì phần hơi không thoát được sẽ làm nhũn bánh tráng ở phía dưới và nem sẽ bị lòi nhân ra ngoài. Mình sử dụng lò nướng Sanaky 30L thì mình chỉnh nhiệt độ cao nhất là 250oC, cho lò nóng trước 10 phút, sau đó cho vỉ nướng có để nem vào đặt ở nấc giữa của lò. Thời gian nướng là 30 phút. Lưu ý là không quét sũng dầu mà chỉ quét 1 lớp mỏng thôi, vì dầu nó rơi vào thanh nhiệt sẽ tạo tia lửa điện gây cháy 😉 .  

-Thịt & hải sản

Món này thì nồi chiên không dầu làm tốt hơn lò nướng. Lý do cũng đơn giản là nồi chiên có thanh nhiệt dạng lò xo nên diện tích tiếp xúc với mặt thực phẩm rộng hơn, hơn nữa do khoảng cách từ thanh nhiệt đến mặt thực phẩm cũng gần hơn so với lò nướng, nên thịt hay cá sẽ nhanh chóng se bề mặt, giúp cho nước cốt ít thoát ra ngoài, nên sẽ không làm thịt bị dai và khô.

Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ khắc phục được nhược điểm này với lò nướng nếu như bạn chọn lò nướng có dung tích bé ( chừng 10L đổ lại và có chế độ nhiệt 230oC) và làm theo hướng dẫn sau: áp chảo thực phẩm cho se đều các mặt với một ít dầu, sau đó bỏ vào lò nướng trong vòng 20 phút, nhiệt độ từ 180 – 230oC tùy lò

.-Thịt & hải sản nướng than

Chắc hẳn bạn sẽ hy vọng món thịt cá nướng sẽ có mùi y như nướng than phải không. Với cả nồi chiên không dầu hay lò nướng thì bạn đừng hy vọng nhé. Nhiệt độ tối đa của 2 loại này là 230oC thôi, trong khi với nướng than thì nhiệt độ lên đến 300oC 😆 . Nhưng có một cách để bạn vừa ăn được thịt & hải sản có mùi nướng than mà đỡ vất vả hơn nướng than 😉 . Đấy là bạn sử dụng một bếp hồng ngoại, nướng sơ bề mặt của thịt & hải sản trong vòng 1 – 2 phút. Sau đó cho vào khay của lò nướng hoặc nồi chiên không dầu và nướng tiếp trong vòng 15 – 20 phút ở nhiệt độ 180oC. Đây là nhiệt độ tham khảo thôi nhé nên bạn cần điều chỉnh lại theo tùy lò. Có 3  điều cần lưu ý như sau: 

=> thứ nhất là bạn ướp thịt & hải sản bằng nước cốt hành tỏi, nghĩa là dùng đồ ép để lấy nước cốt ướp thôi vì nếu ướp bằng hành tỏi băm, chúng sẽ rơi xuống bếp hồng ngoại gây khói. Hoặc nếu ướp bằng hành tỏi băm thì phải gạt hết chúng ra trước khi cho thịt lên bếp hồng ngoại.

=> thứ hai : bạn luôn nhớ trộn dầu ăn vào thịt & hải sản trước khi đem lên bếp hồng ngoại nướng sẽ làm thịt & hải sản không bị khô

=> thứ ba là bạn luôn làm nóng lò nướng/ nồi chiên không dầu trước khi cho thực phẩm vào. 

Với cách làm này, bạn sẽ có món BBQ hải sản ngon đúng điệu và món bún chả Obama đúng chuẩn mà không phải nhóm than và đứng mỏi chân 30 phút canh thịt bên lò nướng than nóng hầm hập 😆 

3. So sánh tính tiện lợi

Nồi chiên thì nhỏ gọn hơn lò nướng nên dễ di chuyển hơn và phù hợp với nhà có diện tích nhỏ, đặc biệt là cho những cặp vợ chồng trẻ đi ở trọ. 

Lò nướng có cửa kính còn nồi chiên thì không, nên với lò chiên trong thời gian đầu thử nghiệm từng món ăn thì bạn rất cực, vì cứ phải canh me mở nồi, nếu không thì món ăn sẽ cháy vì bạn có thấy được gì đâu 😆 . Với lò nướng thì bạn bớt đi khoản này, vì cửa làm bằng kính và nhiều lò còn có trang bị thêm đèn lò nên bạn sẽ nhận biết nhanh chóng thức ăn sắp hóa thành carbon :mrgreen:

Nồi chiên vì có dung tích nhỏ nên phù hợp cho những bữa cơm gia đình có từ 3-4 người nhưng nếu nhà có thêm khách thì bạn sẽ cực hơn là phải làm thành nhiều đợt. 

Về việc vệ sinh lò thì lò nướng sẽ ít tốn thời gian hơn, do nó chỉ có 2 thanh nhiệt trên và dưới mà thôi. Nồi chiên thì thanh nhiệt dạng lò xo nên cũng gây khó khăn cho việc vệ sinh rồi, cộng thêm phần trên của lò xo nữa nên lau chùi khá cực. Mình chỉ thấy cái lò chiên không dầu của Cuisinart nó y chang cái lò nướng nên dễ vệ sinh hơn nhiều 😆 

4. Chọn nồi chiên không dầu hay lò nướng

Câu trả lời là tùy theo nhu cầu của bạn, bạn có thể sắm cả hai hoặc chọn một trong hai cái hoặc mua lò chiên nướng của Cuisinart luôn nếu nhà chưa có lò nướng.

Nồi chiên không dầu phù hợp cho nướng thịt, cá, hải sản, đậu phụ, rau củ quả.

Lò nướng thì phù hợp cho những bạn có niềm đam mê với bánh trái 😎 .  

Cho dù bạn dùng lò nướng hay nồi chiên thì quét một lớp dầu lên thực phẩm sẽ giúp chúng vàng giòn bên ngoài và ẩm mềm bên trong. Do đó bạn cần chọn loại dầu có điểm bốc khói cao nhất. Điểm bốc khói là điểm mà khi đó dầu đã bắt đầu cháy và tạo ra các chất gây ung thư.  Mình thường mua dầu gạo của Simply hoặc Tsuno của Nhật vì điểm bốc khói của chúng là 240oC trong khi nhiệt độ cao nhất của nồi chiên là 200oC và lò nướng là 230oC. 

 

By admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!
Về đầu trang