Site icon French Bread, Pastry Recipes – Học làm bánh Pháp

Quảng cáo thực phẩm tại Pháp khác gì so với Việt Nam

Bạn có thích xem quảng cáo không ? Với mình thì có 😆 . Quảng cáo như một trailer phim điện ảnh khiến người xem thích thú, ấn tượng và phiêu cảm xúc cùng thương hiệu 😛 . Không chỉ vậy, đối với mình, xem quảng cáo là một cách để khám phá văn hóa cũng như cách quản lý của quốc gia về một lĩnh vực nhất định nào đó. Hơn nữa, quảng cáo cũng phản ánh tầm nhìn của chính phủ bởi thông qua quảng cáo, những nhà quản lý có thể gửi gắm thông điệp mang giá trị tích cực cho toàn thể người dân. 

Duyệt và đăng kí nội dung quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi, tạp chí, trên website của công ty hay trên facebook là công việc mà một RA (Regulatory Affairs) như mình phải đảm nhận. Chính vì vậy mà khi đến Pháp, mình cũng rất quan tâm xem nó khác gì với Việt Nam 😛 . Dĩ nhiên là về nội dung và hình ảnh mình thấy quảng cáo của Pháp thoáng hơn, nghĩa là có những cảnh nóng bỏng hơn, diễn viên cũng được ăn mặc kiệm vải hơn, có những hành động thân mật hơn ^^ nhưng về những nội dung bắt buộc thì mình thấy quảng cáo của họ có những qui định khắt khe hơn. Điều đó cho thấy nước Pháp không chỉ nổi tiếng với nền ẩm thực tinh tế mà còn về khía cạnh quản lý khi họ biết quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng thông qua những thông điệp bắt buộc trên nội dung quảng cáo thực phẩm 

1. Quảng cáo thực phẩm của Việt Nam yêu cầu gì ?

Trước khi đề cập đến quảng cáo thực phẩm tại Pháp thì mình nói tí xíu về những qui định quảng cáo của Việt Nam nhé. So với các qui định tại Pháp thì ở Việt Nam các thông điệp sức khỏe trên quảng cáo thực phẩm cũng không yêu cầu quá nhiều. Hai thông điệp mà bạn thường xuyên nghe và thấy trên quảng cáo, đó là:

-Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh ( áp dụng cho quảng cáo thực phẩm chức năng)

-Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ & Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi ( dành cho quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi )

Đối với các loại thực phẩm chế biến khác thì chính phủ không yêu cầu các thông điệp sức khỏe gì cả, nhưng tại Pháp, nó đã bắt buộc trên hầu hết quảng cáo thực phẩm từ năm 2007 😛 . 

2. Quảng cáo thực phẩm tại Pháp – các yêu cầu về luật định

Từ tháng 8 năm 2004, chính phủ Pháp đã yêu cầu những nhà bán hàng buộc phải gắn một thông điệp về sức khỏe lên quảng cáo  cũng như trả cho cơ quan thuế một khoản đóng góp tương ứng với 1.5% trên số tiền ròng đầu tư vào chiến dịch quảng cáo của họ. Hai năm rưỡi sau đó, tức tháng 2 năm 2007, nghị định hướng dẫn cho việc áp dụng luật này được công bố. Và bắt đầu từ tháng 3 năm 2007, những thông điệp về sức khỏe giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đã bắt đầu xuất hiện trên quảng cáo.

Qui định này bắt buộc cho quảng cáo đồ uống có thêm đường, muối hoặc chất ngọt tổng hợp hoặc các sản phẩm thực phẩm chế biến.  Các thông điệp sức khỏe đều phải xuất hiện trên các báo hình ( truyền hình), báo nói ( radio), trên mạng internet và các ấn phẩm ( catalogue, tờ rơi….).  Nhà bán hàng và nhà phân phối các quảng cáo này sẽ đối mặt với mức phạt lên đến 37 500 € nếu không tuân thủ 😛 .

Đối với các quảng cáo dành cho thực phẩm tươi sống hoặc chỉ qua sơ chế ( rau củ quả cắt lát, trái cây đông lạnh, gia vị sấy khô…)  hoặc đóng hộp nhưng không bổ sung bất kì thứ gì ngoại trừ nước thì không cần phải đưa các thông điệp sức khỏe lên quảng cáo. Điều này cũng được áp dụng cho các loại đồ uống như nước ép trái cây, sữa, trà, cà phê, trà thảo dược nếu như nhà sản xuất không thêm muối, đường hoặc chất tạo ngọt tổng hợp. 

3. Các thông điệp thường thấy trên quảng cáo thực phẩm tại Pháp

Dòng chữ mà bạn thấy trên hầu hết các quảng cáo thực phẩm từ đồ chế biến sẵn, đồ uống đến sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ,  đó là  dòng chữ www.mangerbouger.fr ( manger : ăn ; bouger : vận động) . Ra đời từ năm 2001, Chương trình Sức khỏe Dinh dưỡng Quốc gia (PNNS – Programme National Nutrition Santé) thông qua trang web chính thức www.mangebouger.fr là chương trình y tế công cộng nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng. Đối với PNNS, dinh dưỡng được hiểu là sự cân bằng giữa lượng thức ăn liên quan đến thực phẩm và tiêu hao năng lượng do hoạt động thể chất.

Ngoài dòng chữ mangerbouger.fr ở trên, sẽ có các thông điệp về sức khỏe trên quảng cáo thực phẩm tại Pháp như sau:

– “Pour votre santé, mangez au moins cinq fruits et légumes par jour” ( vì sức khỏe của bạn, hãy ăn tối thiểu 5 loại trái cây và rau củ quả mỗi ngày )
– “Pour votre santé, pratiquez une activité physique régulière” ( vì sức khỏe của bãn, hãy tập thể thao đều đặn)
– “Pour votre santé, évitez de manger trop gras, trop sucré, trop salé” ( vì sức khỏe của bạn, hãy tránh ăn đồ quá béo, quá ngọt, quá mặn)
– “Pour votre santé, évitez de grignoter entre les repas” ( vì sức khỏe của bạn, hãy tránh ăn vặt giữa các bữa ăn)

Đối với các quảng cáo trên radio thì bạn sẽ nghe những thông điệp như trên hoặc các thông điệp thay thế nhưng có nội dung tương tự như sau: 

– “Pour votre santé, bougez plus” ( vì sức khỏe của bạn, hãy vận động nhiều hơn)
– “Pour votre santé, limitez les aliments gras, salés et sucrés” ( vì sức khỏe của bạn, hãy hạn chế ăn thực phẩm béo, mặn và ngọt)
– “Pour votre santé, évitez de grignoter” ( vì sức khỏe của bạn, hãy hạn chế ăn vặt)

Đối với các quảng cáo sữa công thức cho trẻ sơ sinh thì phải có các thông điệp sau: 

-“En plus du lait, l’eau est la seule boisson indispensable” ( Ngoài sữa thì nước là thức uống duy nhất thật sự cần thiết)

-“Bouger, jouer est indispensable au développement de votre enfant”. ( Vận động và chơi đùa thì cần thiết cho sự phát triển của con bạn)

Đối với những quảng cáo cho thực phẩm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt của trẻ sơ sinh ( là trẻ từ mới sinh đến < 12 tháng tuổi)trẻ nhỏ khỏe mạnh ( là trẻ từ 1 tuổi đến 3 tuổi) và được sử dụng trong thời kỳ cai sữa của trẻ sơ sinh và làm thực phẩm bổ sung trẻ nhỏ thì các thông điệp như sau là bắt buộc:

– “Apprenez à votre enfant à ne pas grignoter entre les repas” ( Hãy tập con bạn không ăn vặt giữa các bữa ăn)
– “Bouger, jouer est indispensable au développement de votre enfant” ( Vận động, chơi đùa rất cần thiết cho sự phát triển của con bạn) 

Đối với quảng cáo đồ ăn dành cho trẻ em > 3 tuổi :

– “Pour bien grandir, mange au moins cinq fruits et légumes par jour” ( để phát triển tốt, hãy ăn tối thiểu 5 loại trái cây và rau củ quả mỗi ngày)
– “Pour être en forme, dépense-toi bien” ( để vóc dáng cân đổi, hãy tập thể dục)
– “Pour bien grandir, ne mange pas trop gras, trop sucré, trop salé” (để phát triển tốt, đừng ăn quá nhiều chất béo, quá ngọt, quá mặn)
– Pour être en forme, évite de grignoter dans la journée” (Để vóc dáng cân đối, tránh ăn vặt trong ngày)

Một marquette quảng cáo của thương hiệu chocolat Milka với dòng chữ Pour être en forme, évite de grignoter dans la journée” (Để vóc dáng cân đối, tránh ăn vặt trong ngày)

Đối với đồ uống có cồn, Việt Nam thì không có yêu cầu gì cả nhưng dòng chữ “L’abus d’alcool est dangereux pour la santé” (Lạm dụng rượu là nguy hiểm đến sức khỏe). À consommer avec modération”( Uống có chừng mực) thì bạn sẽ thấy xuất hiện trên quảng cáo tại Pháp.

Quảng cáo bia tại Pháp với dòng chữ “L’abus d’alcool est dangereux pour la santé. À consommer avec modération”

4. Qui định liên quan đến kích thước của các thông điệp sức khỏe trên quảng cáo thực phẩm

Nói gì thì nói, là nhà bán hàng, bạn chẳng bao giờ thích những thông điệp như thế này. Dù sao thì nó cũng cản trở và ảnh hưởng khá lớn đến doanh số bán hàng 😛 ,  thế nên những nhà ra qui định này, họ cũng phải nghĩ đến việc bắt buộc những thông điệp về sức khỏe xuất hiện trên quảng cáo như thế nào đủ để lôi kéo được sự chú ý của người tiêu dùng. 

Tại Việt Nam thì theo nghị định 181/2013/NĐ-CP và 15/2018/NĐ-CP người ta không qui định cụ thể về kích thước của khuyến cáo trên quảng cáo thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt). Họ chỉ ghi chung chung là phải đọc rõ khuyến cáo, nếu quảng cáo trên các phương tiện khác thì khuyến cáo phải được thể hiện bằng chữ viết rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Do đó, khi xem những quảng cáo của nhóm thực phẩm này trên truyền hình, bạn thấy dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” hiện ra bé tí, nếu có đọc thì được phát ngôn viên đọc với tốc độ nhanh như tia chớp ^^  và mình dù có lắng tai nghe thì cũng nghe không hết nổi câu đó . 

Nắm thóp được sự ranh mãnh của những nhà bán hàng 😛 , khi đưa ra qui định về thông điệp sức khỏe, những nhà quản lý tại Pháp cũng đưa luôn các yêu cầu như chúng phải được trình bày một cách dễ đọc hoặc dễ nghe và phân biệt rõ ràng với thông điệp quảng cáo khác. Tần suất xuất hiện của các thông điệp này sẽ chiếm khoảng 10% so với các thông điệp khác của quảng cáo.

Ngoài ra thì họ còn yêu cầu kích thước thông điệp sức khỏe được viết theo chiều ngang và chiếm ít nhất 7% bề mặt quảng cáo hoặc 7% diện tích của màn hình. 

Exit mobile version