Lò nướng là một trong những thiết bị góp đóng góp 50% thành công vào bánh của bạn. Chọn 1 chiếc lò vừa túi tiền mà chất lượng tốt giữa một rừng lò đối với bạn nào mới học làm bánh chắc không dễ tí nào . Sharp không phải là chiếc lò nướng đầu tiên mình dùng 😆 . Chiếc đầu tiên 1 em lò Cornell CT09 xinh xắn 9L mà giờ thì cũng không còn bán trên thị trường nữa (xem mẫu tại đây), chiếc thứ hai là Sanaky 30L đời cũ ( không phải đời VH-309S2D) nên cửa kính 1 lớp và không có đèn lò. Mình mua thêm Sharp vì nhu cầu cần 1 lò có cửa kính hai lớp dùng để ủ bánh qua đêm chứ thật ra em Sakany xài vẫn tốt 😀 . Ở bài viết này mình review Sharp 38L nhưng nếu bạn muốn chọn Sanaky thì mình vẫn rất recommend 🙂 vì các lò Sanaky hiện tại cũng đã trang bị cửa kính hai lớp rồi.
Nội dung
1. Kích thước lò, chức năng và phụ kiện đi kèm
Lò Sharp 38L EO-A383RCSV-ST có trọng lượng là 9.6kg, với Kích thước khoang lò: 39 x 34 x 29 cm (R x S x C) và Kích thước bên ngoài: 53.5 x 40.5 x 35.5 cm (R x S x C). Lò sản xuất tại Trung Quốc và công suất là 1800W.
Phụ kiện đi kèm lò gồm có:
- Khay nướng đen tráng men
- Khay tròn chống dính nướng bánh Pizza
- Vỉ nướng
- Tay cầm
- Khay hứng vụn bánh
- Tay cầm cho xiên quay
- Bộ que xiên gồm 8 que xiên khi kết hợp với chức năng xiên quay sẽ tự động đảo mặt các loại thực phẩm có kích thước nhỏ như: tôm, mực, thịt viên và các loại thực phẩm khác
Khác với đồ quay xiên của Sanaky chỉ có thể quay gà, lò Sharp có dạng quay xiên tròn với nhiều thanh nhỏ đi kèm nên dùng để quay thịt xiên nướng + rau củ quả . Một số bạn còn mua thêm lồng quay tròn để quay hạt và bạn có thể tham khảo tại link này .
Sharp 38L EO-A383RCSV-ST có 3 núm chỉnh bao gồm :
– Núm chỉnh nhiệt độ từ 70 – 230oC
– Núm chỉnh 5 chế độ nướng : lửa trên, lửa dưới, hai lửa, hai lửa có quạt, quay xiên có quạt
– Núm chỉnh thời gian từ 5 phút đến 120 phút
Ở đây có điểm khác về nhiệt độ và thời gian nướng, trong khi lò Sanaky thì nhiệt thấp nhất là 100oC và thời gian nướng tối đa là 60 phút, thì Sharp là 70oC và bạn có thể chỉnh thời gian chờ lên đến 120 phút. Mình thích điểm này của Sharp vì nhiệt 70oC thì để sấy lạp xưởng tốt hơn và 120 phút thì lý tưởng khi nướng cake vì thời gian để nướng cake cũng kéo dài từ 70 đến 120 phút.
2. Chất lượng của lò & chế độ bảo hành
Lý do chính mình chọn Sharp là vì thương hiệu chứ tỷ lệ các bạn dùng Sanaky vẫn nhiều hơn. Nhà mình có tivi Sharp ( 10 năm), tủ lạnh Sharp (8 năm), máy giặt của Sharp (4 năm), nồi cơm điện Sharp (5 năm) nên thêm 1 chiếc lò nướng Sharp cho đủ bộ 😆 . Nhìn chung thì tất cả các thiết bị này bền và chất lượng khá tốt cho dù mức giá tầm trung.
Lò nướng Sharp 38L so với lò Sanaky lúc trước mình dùng thì chất lượng nướng y như nhau chứ không khác gì mấy. Các mức nhiệt độ cho dòng bông lan ( 160oC) hay bánh mì ngọt ( 180oC) và bánh mì vỏ giòn (230oC) mình vặn đúng y chang núm chỉnh và bánh làm ra ngon lành cành đào 😆
Các bạn cũng đừng hỏi mình là lò có chênh nhiệt không thì mình không biết luôn 😆 vì mình không sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ lò từ trước đến giờ. Mỗi 1 dòng bánh đều có nhiệt độ qui định và người làm bánh sẽ biết hạ nhiệt nếu thấy bánh quá sậm màu, tăng nhiệt khi bánh chưa vàng mặt. Nói chung nhìn mặt bánh mà chỉnh nhiệt vẫn tốt hơn là phụ thuộc vào nhiệt kế lò 😉 . Thực tế cho thấy nhiều bạn trang bị nhiệt kế lò, làm đúng nhiệt độ mà bánh thành phẩm đem đi chọi nhau là chính 😆 . Có bao giờ bạn suy nghĩ lại và hiểu ra rằng nếu nhiệt kế lò chuẩn vậy thì người ta đâu phải đánh vật với cái lò nướng mà chỉ cần làm 1 phát theo hướng dẫn là có bánh ngon 😉 .
Cũng như các lò nướng có thanh nhiệt lộ ra ngoài thì lò Sharp nhiệt sẽ không đều và bạn buộc phải đảo khay bánh. Điều này hoàn toàn bình thường nên đừng than vãn rằng nhiệt lò không đều 😉 . Nhưng mình thấy Sharp nhiệt tỏa đều hơn Sanaky nên mặt bánh cũng ít bị chỗ đen chỗ trắng. có lẽ do cửa kính hai lớp đem lại.
Với cửa kính hai lớp cùng với lớp sơn đen bao phủ 1/3 diện tích kính thì lò giữ nhiệt khá tốt và mình tận dụng để ủ bánh qua đêm với đá khô. Bạn nào muốn nướng bánh vào buổi sáng thì có thể tận dụng khả năng giữ nhiệt của lò này.
Mình sử dụng khoảng 8 tháng thì đèn lò cháy . Khi gọi đến hotline của Sharp thì nhân viên yêu cầu đọc số hiệu của lò và mã lò có trong phiếu bảo hành, xong hẹn trong 2 ngày sẽ cử người đến để thay đèn. Một ngày sau thì có 1 giai đẹp troai đến tận nhà sửa trong vòng 15 phút 😆 nên mình cho 5 sao về dịch vụ bảo hành. Mà giai trước khi đến chỉ gọi điện hỏi xem phải số nhà này không mặc dù mình chưa hề cung cấp địa chỉ khi trao đổi qua hotline , hóa ra phần này nó đã lưu trong thông tin mua hàng từ Tiki rồi ^^, mình đoán thế. Bạn nào muốn mua mặt hàng này có thể xem tại link này nhé.
3. Lò nướng được bao nhiêu bánh
Dung tích lò cũng là yếu tố mà nhiều bạn quan tâm khi mua lò, mua nhỏ quá thì nướng nhiều lần cũng mất thời gian, còn to quá mà sử dụng không hết thì phí điện. Ở đây với lò Sharp 38L thì số lượng bánh làm được cho 1 lần nướng như sau:
– bánh mì Việt Nam (hình 4) : 250g bột khô ( tương đương 4 bánh 90g) (sử dụng khay đen của lò) và bánh sẽ hơi bị dính vào nhau
– bánh mì baguette Pháp (hình 1) : 400g bột khô : sử dụng khay nướng baguette 3 rãnh có kích thước 38 xm x 24.5cm ( mình mua tại đây). Lưu ý là khi mua về phải nhờ thợ cắt mép khay 1cm thì mới cho vào lò được )
– ổ tròn kiểu Sourdough : 400g bột khô
– 3 ổ sandwich (hinh 2) : 500g/ổ thành phẩm (loại khuôn bánh mì gối 450g – xem mẫu tại đây)
– 4 ổ hoa cúc (hình 3) : 270g /ổ thành phẩm ( khuôn oval D08 – xem mẫu tại đây)
– 6 trứng cho cake nếu ổ tròn, còn dùng khay chữ nhật thì khoảng 12 trứng
– 12 bánh trung thu 150g
3. Lưu ý về an toàn
Khi sử dụng các thiết bị có công suất lớn thì nên cắm thông qua tableau chứ đừng nên cắm trực tiếp vào ổ cắm. Ở đây thì mình mua ổ cắm điện có mức chịu công suất lên đến 3300W (xem mẫu tại đây) vì lò này là 1800W và mình còn dùng chung với 1 bếp điện nhỏ nữa.
Mình xài lò Sanaky thì thấy rò điện còn Sharp thì không 😆 nhưng khi dùng bất kì thiết bị điện nào thì cũng đừng chủ quan . Tóm lại là nếu không muốn tê tay khi chạm vào lò thì bạn nên làm dây nối đất (lấy 1 đoạn dây điện có lõi đồng, dùng 1 đầu quấn vào 1 ốc vít đằng sau lò, 1 đầu thả xuống tiếp đất), nếu không thể thì không nên đi chân trần tiếp đất và cũng không nên chạm vào phần lò bằng kim loại khi chưa ngắt điện.
Kính sẽ co lại khi gặp nhiệt độ lạnh và dãn ra khi gặp nóng. Do đó cũng đừng sử dụng lò nhiều giờ liên tục thì nguy cơ vỡ kính lò là có khả năng xảy ra 😉 . Khi xịt nước vào lò đang nóng thì cũng nên lưu ý đừng để nước rơi vào kính.