Để làm được kem ngon mềm mịn giống như những sản phẩm kem bán trên thị trường thì bạn không thể thiếu một công cụ là máy làm kem. Nguyên tắc làm kem chuẩn là nguyên liệu làm kem phải được quay trong môi trường lạnh đông ( < O độ C) để luồng khí được đưa vào kem giúp kem tăng thể tích 😉 . Cánh khuấy của máy làm kem không chỉ giúp đưa không khí vào trong kem mà còn làm cho các phân tử chất béo có trong kem tụ lại thành chuỗi tạo thành cấu trúc giàn giáo bao bọc các bong bong khí giúp kem luôn bông xốp. Do đó để thưởng thức được hương vị trọn vẹn của kem thì bạn nên mua một máy làm kem thay vì làm kem không cần máy 😀 .
Nội dung
1. Các loại máy làm kem gia đình
Trên thị trường có 3 loại máy làm kem phổ biến sau:
- Máy làm kem làm lạnh gián tiếp:
Máy có bowl riêng (trong bowl có chứa dung dịch lỏng giống như dung dịch mà bạn thấy trong mấy cục đá khô) . Trước khi làm kem thì bạn phải bỏ bow này vào ngăn đông tủ lạnh tối thiểu là 24h hoặc hơn nếu như tủ lạnh của bạn không đủ độ lạnh. Ngoài ra các nguyên liệu để làm kem bạn cũng phải ướp lạnh tối thiểu 5h trong ngăn mát tủ lạnh.
- Máy làm kem làm lạnh trực tiếp bằng điện:
Loại này thì bowl có thể gắn liền vào máy hoặc tháo rời. Với máy này thì bạn không cần bỏ bowl vào ngăn đông cũng như ướp lạnh các nguyên liệu trước đó. Giá thành của máy này cao gấp 1,5 lần máy làm kem làm lạnh gián tiếp.
- Máy làm kem làm lạnh trực tiếp thông qua hỗn hợp đá + muối
Giá thành của máy tương đương với loại máy làm kem làm lạnh gián tiếp, nhưng dung tích lớn gấp 3 lần. Máy có bowl riêng bằng kim loại tháo rời để vệ sinh dễ dàng. Thiết kế của máy khá đơn giản bao gồm 3 bộ phận :
– bowl bằng kim loại
– thùng đựng bên ngoài bằng nhựa hoặc gỗ
– trục đánh kem chạy bằng điện tách rời với bowl và thùng đựng.
Khi làm kem thì bạn đặt bowl vào thùng, đổ hỗn hợp làm kem vào. Sau đó rắc đá và muối vào khoảng trống giữa bowl và thùng và cuối cùng là gắn trục quay vào. Hàng này không bán ở Việt Nam mà bạn sẽ mua thông qua các trang mua hàng hộ từ Amazon.
2. Chọn loại máy làm kem nào ?
Tùy vào nhu cầu của bản thân mà bạn sẽ chọn loại máy làm kem phù hợp. Máy làm kem làm lạnh trực tiếp thì bạn không phải mất thời gian chờ đợi nhưng giá thành của máy bao giờ cũng cao hơn máy làm kem gián tiếp. Bản thân mình sau một thời gian sử dụng máy làm kem loại gián tiếp thì chuyển qua dùng loại trực tiếp 😆 vì ngăn đông của tủ lạnh nhà mình lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn nên kiếm chỗ nhét em bowl mập bự vào cũng rất khó 😆 . Ngoài ra thì mình có thể chủ động trong việc làm kem, không phải chờ đợi cả một ngày trời mới có kem ăn 😆 và với sự tiện lợi này thì mình còn làm rất nhiều món từ kem như mochi nhân kem, kem chiên, kem bánh xốp …
Nếu bạn chọn máy làm kem gián tiếp thì giá thành rẻ bằng nửa so với máy làm lạnh trực tiếp nhưng bạn phải chủ động để bowl vào ngăn đông trước. Hỗn hợp làm kem thì bạn cũng phải chuẩn bị trước đó tối thiểu 5h để chúng đủ lạnh. Khâu vệ sinh máy sau khi làm kem cũng tương tự như máy làm lạnh trực tiếp. Chất lượng kem làm ra thì tương tự nhau chứ không có sự khác biệt.
Đối với máy làm kem bằng dung dịch sinh hàn ( đá + muối) thì dành cho bạn nào muốn kinh doanh kem online hoặc tiệm cafe cỡ nhỏ vì nó có dung tích khá lớn. Ngoài ra thì bạn phải chuẩn bị một lượng đá khá nhiều nên nó thật sự không thích hợp cho gia đình cho dù giá máy cũng tương tự như máy làm kem làm lạnh gián tiếp. Tuy nhiên nếu các thành viên trong gia đình bạn đều là fan của kem và lượng kem tiêu thụ cũng phải 2L nhưng bạn chỉ muốn đầu tư một số tiền khoảng 1,5 triệu thôi thì cứ thử sắm nhé. Máy hoạt động như máy làm kem làm lạnh trực tiếp nên bạn cũng không phải tốn thời gian chờ đợi đâu.
3. Các lưu ý khi sử dụng máy làm kem
Có khá nhiều bạn làm kem thất bại với máy làm kem loại mà phải bỏ bowl vào trong tủ lạnh. Cũng có thể do dung dịch làm lạnh của bowl không tốt, nhưng thực tế dung dịch này nó như nhau giữa các máy thôi, còn lại chính là do ngăn đông tủ lạnh nhà bạn đấy. Mình sử dụng máy Cuisinart thì thỉnh thoảng cũng quay kem không đạt. Lý do là ngăn đông tủ lạnh quá nhiều thực phẩm nên bowl không đủ đông để làm kem dù mình đã để nó 48h. Do đó bạn cần lưu ý những điểm sau :
– Lắc bowl thật mạnh trước khi sử dụng để kiểm tra xem dung dịch giữ lạnh đã đông hay chưa, nếu chưa thì bạn phải bỏ em nó vào lại ngăn đông 😆
– Không được chạm tay vào phần trong của bow khi vừa lấy bowl từ ngăn đông ra, nếu không tay bạn sẽ dính vào đấy 😎
– Cẩn thận khi cầm bowl để tránh rơi hoặc va đập, nếu lỡ tay thì bạn có khi phải sắm máy mới vì không phải thương hiệu nào cũng bán bowl riêng 😉 . Nếu bowl có dấu hiệu rò rỉ chất lỏng thì chắc chắn bạn sẽ phải thay bowl mới.
– Hỗn hợp làm kem phải được ướp lạnh trước đó 5h hoặc hơn để đảm bảo chúng đạt nhiệt độ ≤ 5oC.
– Do kem sẽ tăng thể tích gấp đôi nên lượng nguyên liệu tối đa bạn cho vào sẽ bằng 1 nửa dung tích bowl. Ví dụ như bowl có dung tích là 1.4L thì bạn chỉ nên cho tối đa là 700ml nhưng mình khuyến cáo là chỉ nên cho 600ml thôi nhé để tránh kem trào ra máy.
– Trong lúc quay kem thì không để máy nơi quá nóng hoặc có quạt vì sẽ gây tản nhiệt làm bowl bớt lạnh
– Hộp đựng kem thành phẩm phải kín để tránh nước từ tủ lạnh vào gây đông đá kem. Hộp cũng phải được ướp lạnh và khi kết thúc qui trình quay kem thì nhanh chóng múc kem vào hộp. Chi tiết này để tránh kem bị sốc nhiệt khi từ môi trường lạnh sang nóng ( hộp) sẽ tan chảy . Khi kem tan chảy thì các tinh thể đá nhỏ sẽ có cơ hội tiếp cận nhau và tạo thành tinh thể đá lớn hơn. Lúc đó thì kem của bạn sẽ có nhiều dăm đá hơn và ăn sẽ kém ngon.
– Kem làm ở gia đình không có chất nhũ hóa và nếu có lòng đỏ trứng (là chất nhũ hóa tự nhiên ) thì không tránh khỏi dăm đá xuất hiện trong kem là do công nghệ khuấy trộn thủ công không hiệu quả bằng máy công nghiệp, thế nên bạn phải tiêu thụ hết kem trong vòng 3 ngày thôi nhé .
4. Một số loại máy làm kem phổ biến bán tại Việt Nam
- Máy làm kem Eurohome (dung tích bow 1.4L)
Đây là loại máy làm kem gián tiếp nên theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì bạn phải bỏ bow vào ngăn đông tủ lạnh tối thiểu 12h và nguyên liệu cũng phải được ướp lạnh tối thiểu 2 – 3 tiếng. Bow của máy cho ra được 1,4 L kem nhưng thực tế thì bạn chỉ nên bỏ vào máy khoảng tối đa 500ml nguyên liệu thôi vì khi kết thúc qui trình thường kem sẽ tăng thể tích gấp đôi và kinh nghiệm của mình thì bạn không nên sử sử dụng đúng công suất quảng cáo 😉 . Thành phẩm là 1L kem thì cũng đủ cho 4 người ăn mệt xỉu rồi ( mỗi người sẽ có khẩu phần là 4 cục kem bự) nên đừng cho quá lượng nguyên liệu mà mình đã đề cập ở trên. Giá thành của máy khoảng 500k.
- Máy làm kem Tiross TS (dung tích bow 700ml)
Đây là loại máy làm kem có chế độ làm lạnh trực tiếp, nghĩa là bạn không phải chuẩn bị trước việc ướp lạnh cho bow và nguyên liệu. Nhược điểm duy nhất của máy làm kem này là bow dính liền với máy, nên khi rửa thì bạn phải cẩn thận không để nước rơi vào các bộ phận cần tránh nước của máy. Với dung tích bow là 700ml thì đủ lượng kem cho 3 người ( hơi ít nhỉ 😆 ). Giá thành dao động khoảng 1,8 triệu.
- Máy làm kem Unold
Do giá thành cao ( khoảng 4 – 9 triệu tùy dung tích bow) và cũng khá chiếm diện tích nên dòng máy này không phổ biến đối với các chị em nội trợ 😆 . Bow máy tháo rời được và có dung tích từ 1 L ( dòng ), 1,2L (dòng ) và 1.5L ( dòng Gusto 48806) nên rất thuận lợi cho vệ sinh cũng như làm được nhiều kem hơn so với máy Tiross. Ngoài ra do công suất làm lạnh đến -35oC nên thời gian làm kem sẽ rút ngắn lại (30 phút) kem thành phẩm sẽ đông hơn so với Tiross.
5. Một số máy làm kem có thể đặt mua từ nước ngoài
Có hai dòng máy làm kem gia đình cũng rất phổ biến tại thị trường Mĩ mà mình muốn giới thiệu sau đây. Hiện tại Việt Nam có rất nhiều web mua hàng hộ từ Amazon.com nên việc đặt máy về Việt Nam không còn là vấn đề nữa. Giá của máy này thường không quá chênh lệch so với hàng trong nước và thiết kế thì rất đẹp. Do máy sử dụng điện 110V nên khi về Việt Nam bạn phải mua thêm cục chuyển nhé.
- Máy làm kem Cuisinart
Đây là chiếc máy làm kem mà được rất nhiều trang web về nấu ăn tại Việt Nam recommend và mình cũng đã tậu 1 em vào năm 2011 😉 . Vì máy bán tại amazon Mĩ nên mình mua thông qua 1 trang web chuyên hàng xách tay Mĩ với giá là 1.5 triệu Mình còn nhớ tại thời điểm đó người admin của trang web đến giao hàng cho mình với bộ đồ mặc trên người không khác gì bang chủ 😆 . Chưa kể mình hỏi bảo hành như thế nào bạn ấy rút điện mobile ra, nhắn cho mình cái tin là máy bảo hành sáu tháng kể từ ngày giao máy 🙄 . Và mình sử dụng đến tận bây giờ với tần suất làm là 2 tháng / lần thì máy vẫn chạy ngon lành.
- Máy làm kem Nostagia
Dòng máy Nostagia là dòng máy làm kem sử dụng hỗn hợp sinh hàn. Máy có thiết kế đơn giản chỉ có thùng ( bằng plastic hoặc bằng gỗ), bowl đựng kem bằng kim loại, cánh khuấy và motor rời. Khi nào muốn làm kem thì theo các bước sau :
– bước 1: chuẩn bị đá cục và muối hột và nguyên liệu làm kem ( không cần phải ướp lạnh nguyên liệu)
– bước 2: cho nguyên liệu vào bowl kim loại, đậy nắp và cho vào thùng đựng
– bước 3: rắc 1 lớp đá rồi 1 lớp muối hột đến khi đầy xung quanh bowl kim loại
– bước 4: gắn motor và khởi động máy. Bạn sẽ có thành phẩm sau 25 phút.
Đây là dòng máy mà mình recommend cho những bạn có ý định kinh doanh kem homemade. Với số tiền đầu tư không quá lớn (chỉ tầm 1,6 triệu) là bạn đã có được chiếc máy làm kem với dung tích 4 quart ( tương đương 3,8L) rồi.