Thấm thoát thì chiếc máy làm kem Cuisinart đã theo mình gần 1 thập kỉ rồi 😎 . Kem là món mình mê mẩn từ ngày còn thơ bé, ngày nào cũng phải mua bằng được 1 cây kem hoặc hôm nay nhịn để có tiền dành hôm sau mua bánh mì kẹp kem 😆 . Nhớ ngày đó nhà mình ngay kế bên xưởng làm kem, nên vừa được ăn kem rẻ lại vừa được ngắm nghía người ta làm kem nhưng chẳng biết gì 😆 . Sau này đi học làm bánh có bạn gửi cho mình cách làm kem không cần máy từ 1 trang blog, đọc xong háo hức làm , làm xong háo hức ăn, ăn xong ỉu xìu tự hỏi , ủa cái này giống heavy frozen cream chứ đâu có giống ice cream tí nào đâu 😕 vì béo quá. Vâng công thức làm kem không cần máy thì nó là whipping cream đánh bông rồi trộn thêm với sữa đặc có đường. Mình đọc trong trang blog ấy thấy nhiều bạn khen làm kem kiểu này ngon lắm nhưng có lẽ vị giác mình quá nhạy chăng 😉 . Dù chưa hiểu làm kem là thế nào nhưng mình không thấy nó giống kem lắm. Và con đường làm kem không cần máy với hai nguyên liệu cùng cách làm đơn giản ấy kết thúc tại thời điểm đó 😆 nhưng cơn thèm khát kem thì chưa bao giờ dừng lại 😉
Cũng vẫn theo đuổi cách làm kem không cần máy nhưng gia giảm lượng whipping cream sử dụng kết hợp với kem Anglais, mình cũng đã có được kem ăn 😆 Lúc này thành phẩm ko phải là heavy frozen cream, cũng không phải ice cream mà là sinh tố cấp đông 😆 . Cách làm kem này là trộn các thứ lại với nhau bằng máy xay sinh tố, rồi cứ mấy tiếng thì lôi ra dùng máy đánh trứng để đánh tan dăm đá. Làm kem theo kiểu này nó không quá béo, vị thì ok nhưng độ xốp thì không hề có, y như ăn phải ổ bánh mì kém nở 🙄
Ice cream thực sự phải có vị béo vừa phải, khiến thực khách cảm giác kem tan nơi đầu lưỡi (melt in mouth), chứ không phải quá béo khiến lưỡi và môi dính dính vào nhau ( sticky in mouth) như kiểu chỉ dùng whipping cream trộn sữa đặc, nhưng không quá cứng, thô ráp (sandy) vì thiếu khí như cách cho tất nguyên liệu vào máy sinh tốt và cứ mỗi 2h lại lấy ra đánh để phá dăm đá . Tóm lại, sau khi mò vào các trang tiếng nước ngoài để hiểu về kem hơn thì mình tự hiểu rằng không có máy làm kem thì sẽ không ra kem đúng chuẩn 😉 , nên vẫn quyết tâm mua bằng được máy làm kem dù thông tin về nó cũng chẳng có nhiều.
Trang web mình vào tìm hiểu về máy làm kem là của chị Khai Tâm . Mình vẫn còn nhớ chị ấy dùng máy Philips và có suggest khá nhiều dòng máy khác nhau trong đó có Cuisinart. Ở thời điểm ấy ( năm 2013) thì máy làm kem quả là thứ khá xa lạ với mọi người và nó không bán ở Việt Nam mà chỉ mua được hàng xách tay. Sau một thời gian đắng đo thì mình cũng quyết định chi 1.5 triệu để mua em Cuisinart này thông qua trang web chuyên bán hàng xách tay từ Mĩ.
Ngày đón người giao hàng mình không khỏi hoảng hốt. Chị ấy mặc đồ không thua kém bang chủ 😯 , đi cái xe máy y chang mấy ông giao gas 😆 . Giao hàng xong mình hỏi ủa thế có bảo hành gì không ^^, chị ấy móc ngay cục gạch Nokia huyền thoại ra bấm vào mấy dòng message gửi mình ‘ máy được bảo hành 6 tháng kể từ ngày hôm nay’ 😆 . Ôi sau khi đưa tiền xong và dõi theo bóng chị khuất vào dòng người rồi tự hỏi mình có bị lừa không
Hên cái thứ gì mua trong sự hồi hộp, liều lĩnh và lo sợ thì nó lại không bị gì cả 😆 . Máy vẫn chạy tốt, sống sót đến ngày hôm nay và giúp mình thỏa đam mê làm kem cũng như ăn kem đúng chuẩn 😆
Máy làm kem Cuisinart thì chỉ bao gồm 1 motor (hình 1) , một bowl quay kem (hình 2) có nắp chụp bằng nhựa mica (hình 3) và 1 đầu quay kem bằng nhựa (hình 4). Do máy dùng cho thị trường Mĩ sử dụng điện 110V nên bạn phải cẩn thận. Mình đã vô tình cắm nó vào ổ 220V và nó cháy 😈 , may mắn là đem ra thợ thì đã sửa lại được rồi 😆 , nhưng có vẻ thấy nó quay nhanh hơn 🙄
Nguyên lý hoạt động của máy làm kem cũng khá đơn giản nên khả năng hỏng máy là rất thấp , bởi vì máy chỉ có chức năng quay y như quạt 😆 . Phần quan trọng nhất của máy làm kem chính là bowl mà bên trong chúng có chứa dung dịch dạng gel y như trong mấy bịch đá khô. Nếu lỡ tay rơi bowl kem và làm vỡ nắp đậy mica này thì cũng mua được đồ thay thế ^^ với giá gần 1/2 giá mua 1 máy mới 😆
Khi muốn làm kem thì bạn cần để bowl vào ngăn đông tủ lạnh khoảng 24h trước khi đem ra quay kem. Hỗn hợp làm kem cũng được ướp lạnh 4oC trước khi sử dụng.
Máy chỉ có nút on/off và không có chế độ thiết lập thời gian gì cả. Một qui trình quay kem thông thường kéo dài khoảng 20 phút và khi thấy kem đông đặc là bạn có thể dừng máy.
Hướng dẫn sử dụng cho máy làm kem Cuisinart
1. Luôn nhớ cắm vào bộ chuyển đổi nguồn điện 110V để sử dụng
2. Nhớ lau bowl thật khô trước khi cho vào ngăn đông. Nếu bowl dính nước, nước đóng băng vào bowl và cản trở cánh quay khi vận hành máy
3. Để bowl trong ngăn đông tủ lạnh trong khoảng 24 h. Không nên để quá lâu và quá ít so với chỉ dẫn. Để kiểm tra xem bowl đã đủ lạnh chưa, hãy lắc qua lắc lại, nếu bạn không nghe thấy tiếng lọc xọc của chất lỏng làm lạnh giữa hai thành bowl là được.
4. Chuẩn bị hỗn hợp làm kem và chúng phải được ướp lạnh (4oC) trước khi cho vào máy làm kem
5. Bỏ bowl ra khỏi ngăn đông
6.Gắn cánh quay vào bowl, đậy nắp hình hoa lên, chỉnh cho khớp với chân đế
7. Bật nút ON thì bowl sẽ bắt đầu quay
8. Đổ hỗn hợp làm kem đã chuẩn bị trước đó qua nắp hình hoa
9. Hỗn hợp kem sẽ từ từ tăng thể tích và đông đặc lại. Khi đó ta có thể dừng máy. Thời gian hoàn thành trong vòng 20-30 phút tùy thuộc vào công thức và thể tích kem
Hiện tại thì bạn có thể :
=> xem & mua hàng trong nước tại link này
=> hoặc tham khảo một số mẫu máy làm kem khác tại link này
Một điều rất quan trọng là bạn nên ướp lạnh hộp đựng kem. Khi bạn múc kem từ máy làm kem sang hộp chứa, bạn cũng nên lưu ý là hộp đựng kem lạnh thì sẽ hạn chế kem tan chảy. Khi kem tan chảy càng nhiều và bạn lại làm đông chúng lại, các tinh thể đá lớn sẽ xuất hiện trong kem nhiều hơn.
Cho dù dùng máy làm kem thì lượng không khí cũng không nhiều cùng với qui trình trộn không có được áp suất và nhiệt độ đúng chuẩn, do đó kem làm ra chỉ nên cấp đông tối đa là 4h mà thôi. Càng để lâu trong tủ lạnh thì kem càng cứng, xuất hiện dăm đá nhiều hơn.