Máy làm bánh mì là công cụ trợ thủ đắc lực cho những ai thích ăn bánh homemade nhưng lười làm 😆 . Bạn không cần phải bỏ công sức cho việc nhào trộn, cũng chẳng cần phải có kĩ năng làm bánh cơ bản , mọi thứ đã có máy lo 😉 . Việc duy nhất là bạn làm đúng theo quyển sách hướng dẫn đi kèm với máy, vậy là xong. Bạn sẽ ổ bánh mì nóng hổi đẹp mắt vừa thổi vừa ăn vừa để chụp hình khoe thành phẩm trên facebook với bạn bè.
Tuy nhiên , thứ gì mà càng đơn giản để làm thì nó cũng có khuyết điểm 😉 . Máy móc cũng không thể thay thế con người hết được đâu. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những ưu và nhược điểm của máy làm bánh mì.
=> Tham khảo giá các loại máy làm bánh mì tại đây
Nội dung
1. Chức năng của máy làm bánh mì
- Nhào bột : bạn có thể sử dụng chức năng này để nhào các loại bột làm bánh mì ngọt, baguette, bánh qui, pizza hay bột để làm pasta. mì sợi
- Làm mứt : máy cũng là trợ thủ đắt lực cho việc làm mứt của bạn nhẹ nhàng hơn. Bạn chỉ cho nguyên liệu đã xay hoặc cắt thái theo sở thích, đường và nước, máy sẽ tiến hành quá trình quấy và nấu tự động.
- Ủ bột : sau khi hoàn tất khâu nhào bột thì máy sẽ tiếp tục với chức năng ủ bột
- Nướng bánh : đây là công đoạn cuối cùng của máy làm bánh mì. Các máy đều có chế độ điều chỉnh màu vàng của vỏ bánh từ vàng nhạt đến đậm
2. Thao tác cần lưu ý trên máy làm bánh mì
Trước khi sử dụng thì bạn phải tháo khay nướng ra rửa với nước rửa chén, không dùng miếng cọ bằng kim loại mà dùng mút để không làm trầy lớp chống dính.
Khi cho nguyên liệu vào thì bạn cần ghi nhớ:
– Cho nguyên liệu lỏng vào trước, cho nguyên liệu khô sau
– Không để men làm bánh mì chạm vào chất lỏng, mục đích là để làm chậm quá trình lên men và không để muối chạm vào men gây chết men
– Nếu trong nguyên liệu có bơ thì không cho vào ngay từ đầu, phải đợi máy trộn khối bột đã hòa quyện thì mới cho bơ vào.
– Nếu muốn cho thêm hạt thì phải canh chừng khi gần hết thời gian trộn mới cho để cho hạt không bị hút ẩm nhiều còn giữ được độ giòn.
Máy làm bánh mì trên thị trường có chức năng hoàn hảo nhất thì sẽ có khay để men riêng và hạt riêng. Tuy nhiên tất cả các dòng máy thì chưa có máy nào có khay để bơ riêng nên bạn vẫn phải canh thời gian (chừng 20 phút sau) thì hãy cho bơ vào
Khi nhiệt độ của môi trường xung quanh > 24oC, nên sử dụng sữa đã ướp lạnh hoặc nước đá ( nước để trong ngăn đông và tạo thành lớp băng mỏng trên bề mặt), mục đích cũng để làm giảm nhiệt độ của khối bột để làm chậm quá trình lên men
Dao nhào bột đều tháo rời được. Nếu bạn không thích bánh mì có lỗ dưới đáy sau khi nướng xong thì sau khi kết thúc quá trình nhào bột, bạn có thể nhấc khối bột lên để lấy lưỡi dao ra, sau đó cho khối bột vào trở lại để tiếp tục quá trình ủ bánh.
Các máy làm bánh mì đều có chức năng giữ ấm, tuy nhiên bạn nên lấy bánh ra khỏi máy ngay lập tức và để trên giá nếu có thể, Khi bạn vẫn còn để bánh ở trong máy thì vỏ bánh sẽ dày và dai hơn đấy 😆 . Bạn nên để bánh nguội rồi hãy cắt bánh.
Hãy để khuôn bánh nguội hẳn rồi hãy đem rửa. Nếu khuôn còn nóng mà bạn dội nước lạnh vào thì sẽ làm lớp chống dính mau bong hơn.
3. Ưu điểm của máy làm bánh mì
– Không phải mó tay vào bột : các khâu nhào bột, ủ bột máy đã tự động làm , bạn không phải làm gì ngoài việc đong nguyên liệu và cho vào máy.
– Ai cũng làm được : mọi thành viên trong gia đình đều có thể thao tác để ra một ổ bánh mì thơm ngon nóng hổi. Bạn cũng phải lưu ý trong quá trình nướng thì máy khá nóng nên không để con trẻ chạm vào nhé.
– Do có chức năng ủ bột nên vào mùa lạnh ( ở ngoài Bắc) thì nó rất lý tưởng và tiện lợi để ủ bột
– Có bánh mì nóng vào sớm mai: với chức năng hẹn giờ lên đến 12h thì bạn sẽ có ổ bánh mì nóng hổi vào buổi sáng mà không phải dậy sớm. Dù gì thì bánh mì mới ra lò cũng mang hương vị tươi mới hơn là mua ở siêu thị rồi cấp đông và lấy ra nướng lại 😎
4. Nhược điểm của máy làm bánh mì
Hình dạng của khuôn nướng bánh của máy làm bánh mì là hình trụ hoặc hình chữ nhật, nên bánh làm ra sẽ chỉ có hình này, bạn muốn có hình khác cũng không được 😆 . Một số máy (như Moulinex) tích hợp thêm chế độ làm bánh mì baguette với khuôn riêng nhưng dòng máy này hiện không bán tại Việt Nam. Và khi làm baguette thì bạn phải có kĩ năng se bột chứ không phải là gà mờ mới lọ mọ tập làm bánh 😉 . Tóm lại với máy làm bánh mì thì bạn chỉ làm được hai dòng bánh là bánh mì ngọt và baguette (nếu biết se bột 😆 ) mà thôi.
Đối với bánh mì sanwich khi làm với lò nướng bánh thông thường, bạn sẽ phải nhào bột, chia bột, cuộn bột và để vào khay hình chữ nhật . Khối bột nở trong khay sẽ được nén chặt và sau khi nướng bánh, bạn sẽ thấy thớ bánh đều, mịn và chặc. Nếu bạn làm bánh mì sanwich bằng máy làm bánh mì, do khuôn dạng hình trụ, nên bột sẽ nở mà không có gì nén lại. Kết quả là thành phẩm của bạn thớ bánh khá to và cấu trúc bánh không chắc và lỏng lẻo. Bạn có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách khi máy hoàn thành việc nhào bột thì lấy khối bột ra chia và cuộn như thao tác làm sanwich để nướng ở trong lò. Tuy nhiên bạn chỉ có thể làm với máy mà khuôn hình chữ nhật (nằm ngang) còn với khuôn thiết kế đứng là hình trụ ( hầu hết máy bán tại Việt Nam đều là khuôn này) thì không thể được nhé 😉 .
Các máy đều quảng cáo có chế độ hẹn giờ kéo dài từ 7h đến 13h, và bạn chỉ cần cho nguyên liệu vào, đến sáng thì sẽ có bánh ăn 😆 . Khi làm bánh homemade thường các bạn sẽ dùng sữa tươi thay cho nước lã để cho bánh có hương vị thơm ngon và cũng bổ dưỡng hơn. Ngoài ra thì có hai nguyên liệu tươi nữa là trứng và bơ.
Nếu là người chuyên làm bánh, bạn sẽ biết bơ sẽ được trộn cùng sau chứ không trộn cùng lúc với các nguyên liệu khác ( bột mì, trứng sữa, đường, men, muối). Với chế độ hẹn giờ thì bạn phải bỏ tất cả nguyên liệu vào cùng lúc và đây chính là vấn đề. Bơ sẽ được trộn chung với các nguyên liệu khác là khuyết điểm thứ nhất. Thứ hai là việc để các nguyên liệu tươi trong thời gian dài (tối thiểu 5h) ở nhiệt độ phòng cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, làm giảm hương vị tươi mới của bánh. Thứ ba là bột mì khi gặp nguyên liệu lỏng ( trứng, sữa) sẽ hút nước và trương nở, nên đối với máy công suất yếu thì trục đánh bột sẽ không hoạt động. Kết quả là sáng hôm sau bạn sẽ được ăn cục bột khét chứ không phải là ổ bánh mì gối vàng ươm như mong muốn 😆 . Mình đã thử tính năng này của máy Tiross và nó không làm được 🙄 .
Để khắc phục nhược điểm này thì bạn cần cấp đông sữa, trứng, bơ, sau đó mới bỏ vào máy làm bánh mì. Hoặc không thì bạn tiến hành trộn nguyên liệu với máy rồi cấp đông ngay khối bột. Khi cần thì sẽ bỏ khối bột đã đông cứng vào máy làm bánh mì và đặt chế độ hẹn giờ. Ví du như bạn để khối bột vào máy lúc 23h đêm và chọn chế độ chờ 5h, nghĩa là 5h sáng hôm sau máy sẽ hoạt động và đến 7h bạn sẽ bánh măm măm 😀 . bạn phải kiểm tra trước thời gian rã đông của khối bột vì nếu bột còn cứng mà máy đã hoạt động thì sẽ làm cháy máy do trục nhào bột không quay được.
Khi trộn bột làm bánh mì ngọt hay bánh mì baguette người ta thường dùng nước đá (hoặc sữa ướp lạnh) để làm giảm nhiệt độ của khối bột. Mình cũng làm như vậy với máy làm bánh mì nhưng cũng không ngăn được nhiệt độ của khối bột vượt quá 24oC. Do máy làm bánh mì có motor truyền nhiệt từ phía bên dưới sẽ làm khuôn nóng lên và khối bột cũng nóng theo. Các dòng máy có giá bình dân thì không có bộ cảm biến nhiệt nên dù ngoài trời nóng hay lạnh thì máy cũng chỉ có thời gian ủ bột đã định sẵn nên thành phẩm ra lò cũng sẽ chẳng ngon nếu hôm đó trời nóng ( bánh sẽ bị lên men quá có mùi rượu) hoặc trời lạnh ( bánh sẽ không mềm xốp do nở chưa đủ).
5. Lời kết
Nếu bạn không phải là người quá đam mê làm bánh nhưng vẫn muốn có những ổ bánh thơm phức chất lượng do chính tay mình làm ra ( thật ra là máy làm chứ bạn không phải mó tay đâu 😆 ) thì đây là thiết bị dành cho bạn. Các dòng bánh mì ngọt bán ngoài thị trường thì nhà sản xuất đều sử dụng chất béo từ dầu cọ nên hậu vị khá gắt. Với máy làm bánh mì tại nhà thì bạn nên thay chúng bằng dầu nành hoặc bơ động vật thì bánh làm ra sẽ có vị dịu hơn rất nhiều đấy. Ngoài ra thì bạn còn thay nước lã bằng sữa tươi ( ở tiệm bánh không ai hào sảng đến mức này đâu) để bánh thêm dinh dưỡng. Một số vấn đề về khuôn bánh, về nguyên liệu như bơ hay men mà mình đề cập bên trên, nếu bạn không chuyên trong lĩnh vực này thì cũng khó lòng cảm nhận được bằng vị giác sự khác biệt.